fbpx

Ban hành Luật hôn nhân và gia đình năm 1986

Bản chất của hôn nhân là dựa trên cơ sở tình yêu chân chính giữa nam và nữ để khẳng định chế độ hôn nhân và gia đình mà Đảng và nhà nước ta xây dựng là tốt đẹp, bên cạnh nguyên tắc hôn nhân tự do, luật hôn nhan và gia đình năm 1959 đã quy định nguyên tắc hôn nhân tiến bộ. Tuy nhiên với tư cách là tư tưởng chỉ đạo ngành luật hôn nhân và gia đình Việt nam, những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình vẫn chưa thực sự bao quát hết được lĩnh vực điều chỉnh. Những mảng quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt nam thuộc các dân tộc với nhau, giữa những người theo tôn giáo khác nhau, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt nam với người nước ngoài; vấn đề chưa có sự định hướng điều chỉnh. Điều đó dẫn đến tình trạng luật hôn nhân và gia đình năm 1959, mặc dù đã tiến bộ hơn hẳn so với pháp luật hôn nhân và gia đình ở giai đoạn trước, nhưng vẫn còn thiếu nhiều chế định, quy phạm pháp luật quan trọng điều chỉnh những quan hệ hôn nhân gia đình đã-đang-sẽ nảy sinh.

Sự phát triển của kinh tế đất nước đã kéo theo nhiều thay đổi trong các quan hệ xã hội, trong đó có những quan hệ hôn nhân và luật năm 1986 ra đời. Để điều chỉnh có hiệu quả hơn các quan hệ hôn nhân và gia đình đang tồn tại trong đời sống xã hội, những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình đã được chỉnh sử, bổ sung cho phù hợp. Phát triển những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình năm 1959, luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã bổ sung thêm những nội dung của các nguyên tắc cho đầy đủ và quy định một số nguyên tắc mới. Ví dụ: trong nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, nếu như luật năm 1959 chỉ quy định: “cấm người đang có vợ có chồng kết hôn với người khác” thì luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định đầy đủ hơn: “ cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác”. Ngoài ra, điều 9 Luật 1986 còn quy định: “việc kết hôn vi phạm một trong các điều 5,6,7 của luật này là trái pháp luật, tòa án nhân dân có quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật đó”. Như vây, luật 1986 thừa nhận việc kết hôn vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là trái pháp luật, còn chỉ rõ: “tòa án có quyền hủy”. Đường lối xử hủy trường hợp vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được giải quyết theo quy định của Nghị quyết 01/1998/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật 1986.

Kế thừa quy định của Hiến pháp 1980, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng trở thành nguyên tắc hiến định được quy định ở điêu 64 Hiến pháp 1992: “Gia đình là tế bào của xã hội, nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”. Với việc quy định nội dung đầy đủ hơn, phù hợp hơn những nguyên tắc pháp lý cơ bản của luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã tạo ra một nền tảng pháp lý cần thiết cho việc xây dựng những chế định, quy phạm pháp luật chuyên biệt để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình trong đời sống xã hội. Như vậy, những lỗ hổng của luật 1959 đã được luật 1986 bù đắp và hoàn thiện, trước hết trên cơ sở hoàn thiện hệ thống những nguyên tắc cơ bản.