Theo quan điểm của nhà làm luật Việt Nam, đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý bắt buộc, song trong một số trường hợp vẫn phải thừa nhận “hôn nhân thực tế” xuất phát từ những lí do như: do tác động của điều kiện lịch sử trong thời gian đất nước có chiến tranh; do ảnh hưởng của tôn giáo, phong tục, tập quán….Với những lí do này mà nhiều đôi nam nữ đã về chung sống như vợ chồng với nhau mà không thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Việc Nhà nước công nhận “hôn nhân thực tế” giữa những người này là để bảo vệ cho những quyền lợi về nhân thân và tài sản giữa họ, hơn nữa là bảo vệ cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em “phòng khi” cuộc hôn nhân không đạt được mục đích tốt đẹp của nó, các bên không thể sống chung với nhau nữa và có yêu cầu ly hôn, chấm dứt quan hệ giữa họ.
Luật HN&GĐ năm 2000 ra đời đã không công nhận vấn đề “hôn nhân thực tế” đối với các trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi (ngày Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực) là dựa trên những cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn nhất định. “Hôn nhân thực tế” là một hiện tượng xã hội mà phần nhiều do yếu tố khách quan lịch sử quy định, cho đến thời điểm Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thì các yếu tố khách quan này đã thay đổi. Thực tế cho thấy, sự phát triển của đời sống xã hội và pháp luật đã từng bước đi vào đời sống nhân dân, đã khiến cho vấn đề “hôn nhân thực tế” được nhìn nhận lại. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 ban hành ngày 09/06/2000 của Quốc hội thì những trường hợp nam nữ chung sống trước ngày 03/01/1987 vẫn được công nhận là hôn nhân thực tế.
Cơ sở lý luận của việc không thừa nhận “hôn nhân thực tế” xuất phát từ vai trò của việc đăng ký kết hôn. Đăng ký kết hôn tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trong việc xác lập mối quan hệ vợ chồng, thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện và tiến bộ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ vợ chồng. Tất cả những điều đó đã khẳng định đăng ký kết hôn là một chế định pháp lý có tính chất bắt buộc để công nhận một cuộc hôn nhân có giá trị pháp lý, và Luật HN&GĐ năm 2000 đã không công nhận vấn đề “hôn nhân thực tế” đối với các trường hợp chung sống như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở về sau.
Cơ sở thực tiễn của việc không thừa nhận “hôn nhân thực tế” là do sự biến đổi nhiều mặt của tình hình kinh tế – xã hội của đất nước những năm qua đã đem lại nhiều tác động to lớn, khiến cho việc đăng ký kết hôn có điều kiện thực hiện thuận lợi: nền kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, do đó trình độ hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật HN&GĐ nói riêng cũng được nâng cao; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng hơn đã góp phần đưa các quy định của pháp luật tới gần với nhân dân, ý thức làm theo pháp luật của người dân được cải thiện;…